VIÊM BAO GÂN MỎM TRÂM QUAY VÀ VIÊM ĐIỂM BÁM GÂN MỎM TRÂM TRỤ CỔ TAY

31 2024-06-03 14:56:43
Contents []

 

Viêm gân vùng mỏm trâm quay/mỏm trâm trụ cổ tay là gì?

Viêm gân vùng mỏm trâm quay và trâm trụ là tình trạng viêm hoặc thoái hóa của gân hoặc bao gân tại vị trí gân bám vào xương ở hai đầu xương cẳng tay – xương quay và xương cẳng tay – xương trụ, gần cổ tay. Trong đó, bao gồm hai bệnh lý:

  • Viêm bao gân mỏm trâm quay, hay còn gọi là hội chứng De Quervain, thường liên quan đến gân cơ dạng dài và duỗi ngắn ngón cái.
  • Viêm điểm bám gân mỏm trâm trụ thường ảnh hưởng đến nhóm gân cơ duỗi cổ tay trụ.

Nguyên nhân của viêm gân vùng mỏm trâm quay/trụ cổ tay là gì?

Nguyên nhân chính là do hoạt động quá mức hoặc sai tư thế kéo dài dẫn đến vi chấn thương lặp lại tại vị trí gân bám vào mỏm trâm.

  • Cử động cổ tay lặp đi lặp lại (viết, đánh máy, mang vác, chơi vợt, gõ công cụ).
  • Căng cơ quá mức khi nâng vật nặng.
  • Chấn thương nhẹ hoặc sai tư thế vùng cổ tay.
  • Bệnh lý viêm toàn thân: viêm khớp dạng thấp, bệnh lý chuyển hóa.

 

Triệu chứng của viêm gân vùng mỏm trâm quay/trụ cổ tay là gì?

Triệu chứng bệnh thường âm ỉ, đặc trưng bởi đau khu trú và đau tăng khi vận động vùng cổ tay.

  • Đau tại vị trí mỏm trâm quay (phía ngón cái) hoặc mỏm trâm trụ (phía ngón út).
  • Đau tăng khi xoay cổ tay, cầm nắm vật hoặc nghiêng cổ tay.
  • Có thể sờ thấy điểm đau chói tại chỗ bám gân.
  • Trường hợp nặng: sưng nhẹ tại vùng tổn thương, giảm lực nắm tay.

Ai là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh?

Một số yếu tố nguy cơ của mắc bệnh bao gồm:

  • Thường gặp ở những người trong độ tuổi từ 30 đến 50 tuổi. Nữ giới thường gặp hơn so với nam giới.
  • Đang mang thai hoặc chăm sóc trẻ sơ sinh.
  • Người sử dụng tay nhiều trong công việc (văn phòng, làm thủ công, công nhân, đầu bếp).
  • Vận động viên chơi các môn như tennis, cầu lông, golf, thể hình.
  • Người mắc bệnh lý viêm khớp hoặc rối loạn chuyển hóa.

Biến chứng của bệnh là gì?

Nếu không điều trị sớm, viêm gân có thể tiến triển thành mãn tính hoặc gây biến chứng như:

  • Giảm chức năng cổ tay – bàn tay.
  • Yếu cơ hoặc teo cơ vùng liên quan.
  • Ảnh hưởng khả năng lao động và sinh hoạt.
  • Chuyển thành viêm mạn tính, khó hồi phục.

Chẩn đoán viêm gân vùng mỏm trâm quay/trụ cổ tay như thế nào?

Chẩn đoán chủ yếu dựa vào khai thác triệu chứng và khám lâm sàng. Một số trường hợp cần xét nghiệm hình ảnh hỗ trợ.

  • Thăm khám lâm sàng ghi nhận điểm đau khu trú vùng mỏm trâm quay/mỏm trâm trụ, đau khi gấp/duỗi cổ tay có đề kháng.
  • Nghiệm pháp Finkelstein đối với viêm bao gân mỏm trâm quay.
  • Siêu âm gân: phát hiện viêm, phù nề, rách vi thể.
  • MRI: đánh giá chi tiết hơn nếu nghi viêm lan rộng, cân nhắc thực hiện trong một số trường hợp.

Điều trị viêm gân như thế nào?

Điều trị thường bắt đầu với các phương pháp bảo tồn, tập trung vào giảm viêm, nghỉ ngơi và phục hồi chức năng.

Điều trị không dùng thuốc:

  • Nghỉ ngơi, tránh động tác gây đau.
  • Nẹp cổ tay tạm thời, nhất là khi ngủ hoặc làm việc.
  • Vật lý trị liệu: siêu âm trị liệu, điện xung, nhiệt trị liệu.
  • Tập phục hồi chức năng.

Điều trị bằng thuốc:

  • Thuốc giảm đau như paracetamol và thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs).
  • Tiêm corticosteroid tại chỗ (trong trường hợp viêm dai dẳng).

Phẫu thuật:

  • Chỉ định khi điều trị bảo tồn thất bại sau ≥ 6 tháng.
  • Mục tiêu là giải phóng chèn ép gân hoặc cắt lọc điểm viêm mạn tính.

Phòng ngừa bệnh như thế nào?

Thay đổi thói quen vận động và tư thế lao động là yếu tố cốt lõi trong việc phòng tránh bệnh tái phát.

  • Tránh hoạt động lặp lại quá mức vùng cổ tay.
  • Thực hiện giãn cơ và khởi động trước khi chơi thể thao.
  • Điều chỉnh tư thế làm việc hợp lý (đặc biệt với công việc bàn giấy).
  • Sử dụng dụng cụ hỗ trợ như đai cổ tay trong trường hợp cần thiết.
  • Điều trị triệt để các bệnh lý viêm khớp đi kèm.

Viêm bao gân mỏm trâm quay và viêm điểm bám gân mỏm trâm trụ là các bệnh lý thường gặp nhưng dễ bỏ sót. Phát hiện sớm, điều trị kịp thời và thay đổi thói quen vận động là chìa khóa giúp người bệnh phục hồi nhanh chóng, ngăn ngừa tổn thương mạn tính và giảm thiểu nguy cơ ảnh hưởng đến công việc và sinh hoạt hằng ngày.

Tài liệu tham khảo

  1. Fakoya, A. O., Tarzian, M., Sabater, E. L., Burgos, D. M., & Marty, G. I. M. (2023). de Quervain’s disease: A discourse on etiology, diagnosis, and treatment. Cureus, 15(4).
  2. Brogan, D. M., Berger, R. A., & Kakar, S. (2019). Ulnar-sided wrist pain: a critical analysis review. JBJS reviews, 7(5), e1.
  3. Firestein, G. S., McInnes, I. B., Koretzky, G., Mikuls, T., Neogi, T., & O'Dell, J. R. (Eds.). (2024). Firestein & Kelley's Textbook of Rheumatology-E-Book. Elsevier Health Sciences.
Bài viết liên quan