Viêm khớp dạng thấp

5 2025-07-07 21:26:43
Contents []

Viêm khớp dạng thấp là bệnh gì?

Trong cơ thể mỗi người có hệ thống miễn dịch giúp chúng ta chống lại sự xâm nhập của vi sinh vật bên ngoài vào cơ thể. Khi hệ thống miễn dịch bị rối loạn, cơ thể sẽ mất khả năng phân biệt lạ - quen và quay lại tấn công chính các tế bào của cơ thể mình gây ra bệnh tự miễn. Nhóm bệnh này ảnh hưởng 5-8% dân số trên thế giới và là 1 trong 10 nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở phụ nữ. Bệnh tự miễn có thể ảnh hưởng đến hầu hết các cơ quan trong cơ thể gây ra nhiều bệnh và viêm khớp dạng thấp (VKDT) là một trong những bệnh tự miễn thường gặp. Đây là bệnh lý gây viêm mạn tính màng hoạt dịch các khớp với biểu hiện sưng, nóng, đau, cứng khớp và giới hạn cử động khớp. Ngoài ra bệnh còn ảnh hưởng toàn thân. Nếu không được điều trị sớm và đầy đủ bệnh có thể tiến triển đến phá hủy, dính khớp, biến dạng khớp và tàn phế nặng nề.

 

Làm thế nào để chẩn đoán viêm khớp dạng thấp?

Chẩn đoán VKDT cần dựa trên tổng hợp các triệu chứng, dấu hiệu lâm sàng và kinh nghiệm của bác sĩ chuyên khoa Nội cơ xương khớp. Hiện nay chưa có một dấu hiệu lâm sàng, xét nghiệm máu hay chẩn đoán hình ảnh đơn độc nào giúp chẩn đoán chắc chắn VKDT. Ở giai đoạn sớm, VKDT có thể khó chẩn đoán vì các triệu chứng ban đầu giống với các bệnh khác.

Các đặc điểm gợi ý chẩn đoán VKDT bao gồm: nữ giới thường gặp hơn nam giới, độ tuổi từ 30-50 tuổi, biểu hiện sưng đau nhiều khớp đối xứng đặc biệt là các khớp ở tay, cứng khớp buổi sáng, thời gian sưng đau khớp kéo dài (≥ 6 tuần), giai đoạn muộn có thể có biến dạng khớp.

Sau khi được hỏi về quá trình khởi phát bệnh và các triệu chứng hiện có, nếu gợi ý đến bệnh lý viêm khớp dạng thấp, các bác sĩ sẽ chỉ định một số xét nghiệm và phương tiện hình ảnh học để chẩn đoán xác định, bao gồm: yếu tố dạng thấp (RF), anti-CCP. Trong đó, RF và anti-CCP là các protein của hệ thống miễn dịch sinh ra để tấn công các mô khỏe mạnh trong cơ thể. Xét nghiệm này thể hiện nồng độ của RF và anti-CCP trong máu, nồng độ cao thường gợi ý bệnh viêm khớp dạng thấp. Tuy nhiên, khoảng 5 – 10% dân số khoẻ mạnh vẫn có thể có sự hiện diện của RF, và khoảng 20 – 30% bệnh nhân viêm khớp dạng thấp không có hiện diện của RF trong máu. Trong khi đó, xét nghiệm anti-CCP có độ đặc hiệu cao, có nghĩa là khi có hiện diện của anti-CCP trong máu thì khả năng rất cao bệnh nhân mắc bệnh viêm khớp dạng thấp.

Ngoài ra, để đánh giá hoạt tính bệnh, các bác sĩ sẽ cho bệnh nhân làm xét nghiệm tốc độ máu lắng (VS) và CRP. Hai xét nghiệm này thể hiện tình trạng viêm hoạt động trong cơ thể nếu như tăng hơn ngưỡng bình thường. Tuy nhiên, VS và CRP có thể tăng trong các tình huống khác như nhiễm trùng, bệnh lý ác tính, bệnh lý tự miễn khác,… Các bác sĩ còn sử dụng xét nghiệm VS và CRP để đánh giá mức độ hoạt động bệnh và đáp ứng điều trị của bệnh nhân.

Ngoài ra, trong một số trường hợp bác sĩ cần làm thêm xét nghiệm để chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý khác như: viêm khớp gút (acid uric máu), lupus ban đỏ hệ thống (ANA, anti-dsDNA, C3, C4, anti-Sm, tổng phân tích nước tiểu), bệnh lý viêm khớp cột sống (HLA-B27, MRI khớp cùng chậu).

Song song với việc chẩn đoán bệnh, ở bệnh nhân viêm khớp dạng thấp trước khi khởi đầu dùng thuốc cũng sẽ được chỉ định thực hiện các xét nghiệm tổng quát bao gồm: công thức máu, AST, ALT, Creatinine, Ure, Ion đồ, điện tâm đồ, Xquang ngực,... Khi có chỉ định dùng thuốc sinh học, người bệnh sẽ được làm thêm các xét nghiệm tầm soát các bệnh lý viêm gan do vi rút (HBsAg, Anti-HBc Anti-HCV), xét nghiệm tầm soát lao tiềm ẩn (IGRA), xét nghiệm tầm soát HIV (HIV Ab), siêu âm tim,…

Khi bị sưng đau các khớp, cần đến khám ngay chuyên khoa Nội cơ xương khớp để được bác sĩ thăm khám và chỉ định một số xét nghiệm cần thiết giúp chẩn đoán bệnh sớm. Nếu được chẩn đoán xác định mắc VKDT, bệnh nhân sẽ được điều trị kịp thời với các thuốc đặc hiệu nhằm đẩy lùi hoạt động bệnh, ngăn chặn tiến triển phá huỷ khớp và các biến chứng nguy hiểm khác.

 

Điều trị viêm khớp dạng thấp như thế nào? Các phương pháp điều trị?

Đây là một bệnh có thể chữa được và cần phải được điều trị càng sớm càng tốt. Mục tiêu của việc điều trị viêm khớp dạng thấp là làm giảm sưng đau khớp, ngăn ngừa tình trạng hủy khớp không hồi phục và các biến chứng toàn thân khác. Hiện nay, các phương pháp điều trị viêm khớp dạng thấp đã có nhiều cải tiến và đạt được nhiều thành tựu. Tùy theo giai đoạn bệnh mà có thể kết hợp nhiều phương pháp điều trị như nội khoa, ngoại khoa, vật lý trị liệu – phục hồi chức năng.

Điều trị nội khoa:

  • Nhóm thuốc kháng viêm: là nhóm thuốc thường được BS cho dùng với mục đích làm giảm đau và giảm viêm khớp. Bao gồm: nhóm corticosteroid như Methylprenisolon, prednison; nhóm NSAIDs như Celecoxib, Etoricoxib, Meloxicam….
  • Nhóm DMARD cổ điển: nhóm thuốc chống thấp khớp làm thay đổi hoạt tính bệnh, là loại thuốc cơ bản và kinh điển nhất trong điều trị viêm khớp dạng thấp. Nhóm thuốc này thường được BS sử dụng phối hợp với nhóm thuốc kháng viêm. Bao gồm: Methotrexate, Sulfasalazin, HCQ, Leflunomide.
  • Thuốc sinh học: là loại thuốc mới, được sử dụng khi các phương pháp điều trị thuốc khác không hiệu quả. Bao gồm: Infliximab (Remicade), Tocilizumab (Actemra), Adalimumab (Humira), Golimumab (Simponi), Tofacitinib.

Vật lý trị liệu – phục hồi chức năng:

Được phối hợp song hành với điều trị nội khoa nhằm chống teo cơ, dính khớp, co rút gân, giúp người bệnh phục hồi vận động nhanh hơn. Tuy nhiên, các bài tập nên được hướng dẫn bởi bác sỹ chuyên khoa, tránh tình trạng tự học theo các chỉ dẫn không chính xác.

Phẫu thuật:

Là phương pháp ít được sử dụng nhất trong điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp. Thường xem xét khi có biến chứng hư khớp làm ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày của người bệnh. Phẫu thuật giúp hồi phục khả năng vận động khớp, giảm đau và chỉnh sửa trục khớp.

Bài viết liên quan